GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị như vậy khi trao đổi về phát triển văn hóa trong Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Văn kiện Đại hội Đảng khóa XIII nhấn mạnh, phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Theo ông, trong bối cảnh đất nước chuẩn bị bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vai trò của văn hóa cần được tiếp tục khẳng định như thế nào?
- Quan điểm “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” khẳng định văn hóa vừa là nền tảng vừa là định hướng phát triển của dân tộc. Vì lẽ đó, ngay từ khi đất nước chưa giành được độc lập, trong Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định, cùng với chính trị và kinh tế, văn hóa tạo thành 3 mặt trận của cách mạng Việt Nam. Trên cơ nhận thức quan trọng đó, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Quan điểm này đã được thể hiện trong chiến lược của cánh mạng Việt Nam giải phóng dân tộc, xây dựng và đổi mới đất nước.
Cụ thể, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ là văn hóa kháng chiến, văn hóa cứu quốc. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng năm 1986, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng xác định quan điểm “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Khi đất nước mở rộng quan hệ quốc tế, trước bối cảnh của toàn cầu hóa, Đảng một mặt thúc đẩy mở rộng tiếp thu giá trị tiến tiến của văn hóa nhân loại song song với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc hướng đến mục tiêu “hòa nhập nhưng không hòa tan”.
Văn kiện Đại hội Đảng khóa XI tiếp tục khẳng định phương hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.
Để văn hóa ngày càng phát triển đầu tiên là nhận thức của các lãnh đạo địa phương. Thứ hai là tầm nhìn, ý thức của cộng đồng. Người dân địa phương phải thực sự muốn giữ gìn và biến những giá trị văn hóa của họ thành di sản để phát triển kinh tế. Thứ ba là vai trò của DN là cực kỳ quan trọng. Thực tế thời gian qua cho thấy, khi có DN đầu tư thì các địa phương đều phát triển, ví dụ như Ninh Bình, Hà Nam, Tây Ninh, Phú Quốc đều có DN đầu tư vào. Tuy nhiên, các địa phương cũng phải hết sức lưu ý khi DN đầu tư thì phải phù hợp, hợp lý; nếu DN đưa vào những cái không phù hợp thì phải dẹp ngay lập tức.
GS.TS Lê Hồng Lý - Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam
Và đến nay, Đảng khẳng định “Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”. Quan tâm đầu tư phát triển văn hóa tương xứng với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Tất cả điều này cho thấy, Đảng luôn nhấn mạnh và khẳng định vị trí và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, trong đó nhấn mạnh các giá trị cốt lõi của văn hóa dân tộc, là nền tảng, hồn cốt tạo nên giá trị và bản lĩnh dân tộc.
Bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh của dân tộc, để đạt được khát vọng đó, tôi cho rằng, văn hóa đã, đang và sẽ tiếp tục là trụ cột quan trọng, vừa là nền tảng vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển đất nước. Hơn hết, văn hóa đóng vai trò nền tảng quan trọng trong xây dựng và phát triển con người Việt Nam. Chỉ có thể là văn hóa và bắt đầu bằng văn hóa mới có thể hun đúc nên những con người giàu khát vọng, có bản lĩnh, dấn thân đương đầu với khó khăn, thách thức, làm cho đất nước hùng cường mà không mất đi bản sắc.
Thực tế thời gian qua, tại nhiều địa phương phát triển văn hóa chưa thực sự được coi trọng và quan tâm xứng tầm, ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Theo ông, khó khăn, hạn chế trong phát triển văn hóa hiện nay là gì?
- Như đã chia sẻ, Đảng và Nhà nước đã vạch ra chủ trương, đường hướng một cách rất rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế, sự phát triển của văn hóa lại chưa được như kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này; tuy nhiên, theo tôi có một số lý do căn bản.
Trước hết là hạn chế trong nhận thức, ở nhiều nơi, vào nhiều lúc và với nhiều người chưa thực sự nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vị trí, vai trò của văn hóa. Không ít sự ví von rằng văn hóa là “bưng, bê, kê, dọn”, là “cờ, đèn, kèn, trống”... Mặc dù là nói vui đùa nhưng nó lại phản ánh phần nào thực trạng nhận thức của một số không ít người về vị trí, vai trò của văn hóa, trong đó có cả những người có trách nhiệm nhất định trong hoạch định, triển khai chính sách về văn hóa ở các cấp, ngành, địa phương. Từ việc không đánh giá đúng mức về vị trí, vai trò của văn hóa dẫn đến việc không coi trọng và thiếu sâu sát trong việc bố trí nhân lực khi triển khai các chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hóa.
Thứ hai là hạn chế trong đầu tư. Nếu so sánh với các ngành, lĩnh vực khác có thể thấy, đầu tư cho văn hóa còn khiêm nhường. Các chương trình mục tiêu quốc gia cho văn hóa chỉ đạt con số rất nhỏ với đầu tư cho các lĩnh vực khác…
Thưa ông, để hòa nhịp cùng đất nước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì giải pháp phát triển văn hóa cần được thực hiện ra sao?
- Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ của dân tộc đặt ra yêu cầu các trụ cột phải vừa vững vàng, vừa đáp ứng được tốc độ phát triển nhanh. Trên phương diện văn hóa, cần quan tâm một số giải pháp căn cơ và đột phá.
Đó là, thay đổi căn bản và sâu rộng nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa đối với sự phát triển và hùng cường của quốc gia, dân tộc. Văn hóa vừa là nền tảng, vừa là động lực của sự phát triển. Xây dựng văn hóa quốc gia không chỉ là việc chăm lo cho cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa mà trước hết là xây dựng nền tảng con người, bồi đắp các giá trị tâm hồn, tình yêu thương, các giá trị nhân bản; trách nhiệm của bản thân đối với mình, với gia đình, với cộng đồng và với xã hội; đồng thời, tạo dựng bản lĩnh, sự tự tin, đủ sức thích ứng trước sự biến động mạnh mẽ và ngày càng phức tạp hiện nay.
Cùng với đó, cần kịp thời hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước thành hệ chính sách, kế hoạch, hành động cụ thể để có thể đạt đến các mục tiêu đề ra. Một giải pháp nữa là có chiến lược xây dựng và phát triển con người Việt Nam thông qua thúc đẩy giáo dục toàn diện về nhận thức, hành vi; tạo dựng các chuẩn mực văn hóa mang tính phổ quát, được cộng đồng thừa nhận và tự nguyện thực hiện.
Một giải pháp rất quan trọng là tăng cường đầu tư các nguồn lực cho việc xây dựng, phát triển văn hóa. Chúng ta cần xác định và kiên trì quan điểm: đầu tư cho văn hóa là đầu tư dài hạn, cần phải kiên trì, liên tục; lợi ích của sự đầu tư cho văn hóa không chỉ đo đếm bằng lợi ích kinh tế đơn thuần, không dễ dàng nhìn thấy, đôi khi chỉ có thể nhìn thấy sau một hoặc nhiều thế hệ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đảng và Nhà nước rất chú trọng về văn hóa, đặc biệt là sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Tuy nhiên, trong đầu tư cho văn hóa thì chúng ta nên chọn trọng tâm, trọng điểm, có điểm nhấn nhưng vừa phải bảo đảm được cho tất cả người dân thụ hưởng. Nếu xã nào cũng được đầu tư một chút về văn hóa thì cuối cùng manh mún. Tỉnh nào cũng có bảo tàng nhưng lại không có thứ gì để trưng bày. Hiện nay, có 2 bảo tàng tự chủ “sống” được, “nuôi” được là Bảo tàng Quảng Ninh và Bảo tàng Tây Nguyên. Điều này cho thấy, không gian văn hóa phải có điểm nhấn và phải thống nhất.
Và để không gian văn hóa “sống” được thì Ban Quản lý nơi đó kết hợp với các DN thiết kế tour, thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan; cũng như kết hợp với các nhà trường để dạy trải nghiệm cho học sinh. Thực tế cho thấy, Khu di tích K9 (Hà Nội) từ thứ Hai đến Chủ nhật luôn có nhiều nhà trường đưa học sinh đến trải nghiệm. Gần đây nhất, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam thu hút rất đông du khách đến tham quan và học sinh trải nghiệm.
PGS.TS Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội