Đây là thời điểm then chốt để các DN và cơ quan quản lý Nhà nước cùng nhau nỗ lực xây dựng ngành rau quả phát triển bền vững, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu sụt giảm sâu
Thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, từ đầu năm 2025 đến nay, mặt hàng sầu riêng ghi nhận sự sụt giảm lớn trong xuất khẩu. Tính tới hết tháng 2/2025, xuất khẩu mặt hàng này giảm tới gần 80%. Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam Nguyễn Thanh Bình cho hay, xuất khẩu sầu riêng sụt giảm mạnh là nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả giảm 2 con số.
Cụ thể, xuất khẩu rau, quả tháng 3/2025 dự kiến đạt 420 triệu USD, dù tăng khoảng 34% so với tháng 2, nhưng lại ghi nhận mức giảm sâu nhất so với cùng kỳ năm 2024 (giảm 10,5%). Dự kiến, trong quý I/2025, tổng kim ngạch xuất khẩu rau, quả ước đạt hơn 1,1 tỷ USD, giảm hơn 13% so với cùng kỳ năm nước.
Lý giải về sự sụt giảm, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, sầu riêng chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng rau quả, nên mặt hàng này giảm sẽ tác động rất lớn đối với nhóm ngành hàng rau quả. Từ đầu năm 2025 đến nay, nhiều thị trường nhập khẩu sầu riêng của Việt Nam, trong đó có thị trường lớn nhất là Trung Quốc đã giảm nhập khẩu, do yêu cầu về chất lượng. Thị trường Trung Quốc yêu cầu 100% các lô hàng sầu riêng của Việt Nam phải bảo đảm không có chất vàng O và cadimi - đây là 2 chất gây hại cho sức khỏe.

Với điều kiện mới này, từ đầu năm 2025 đến nay, nhiều lô hàng sầu riêng tươi của Việt Nam đã không xuất khẩu được sang thị trường lớn Trung Quốc. Tổng Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Nguyễn Đình Tùng chia sẻ, hiện công ty mới chỉ xuất khẩu trái dừa tươi sang thị trường Trung Quốc. Với mặt hàng sầu riêng tươi, công ty chưa xuất khẩu trở lại và đang triển khai các bước chuẩn bị để bảo đảm cho việc xuất khẩu hiệu quả nhất, dù trước kia sầu riêng vốn là mặt hàng thế mạnh của công ty.
“Mỗi container sầu riêng giá trị vài tỷ đồng, nếu không chuẩn bị kỹ, hàng xuất qua cửa khẩu mà bị tiêu hủy hay quay đầu thì thiệt hại với DN là không nhỏ” - ông Nguyễn Đình Tùng nói.
Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 90% phân khúc thị trường. Nếu không có phương án thì ngành hàng rau quả tiếp tục bị tác động khá mạnh trong thời gian tới. Đặc biệt, sầu riêng trái vụ của Việt Nam kéo dài đến cuối tháng 3.
Từ giữa tháng 4, các tỉnh miền Tây bắt đầu bước vào mùa thu hoạch sầu riêng chính vụ. Nếu thị trường Trung Quốc còn những vướng mắc, thì mặt hàng này sẽ bị qua thời điểm vàng xuất khẩu. Không riêng gì Trung Quốc, từ ngày 8/1/2025, Liên minh châu Âu (EU) đã nâng tần suất kiểm tra mặt hàng sầu riêng Việt Nam từ 10% lên 20%.
Từ mặt hàng sầu riêng, nhìn rộng ra các mặt hàng rau quả khác có thể thấy sự phụ thuộc vào một thị trường hay một mặt hàng nào đó sẽ gây khó khăn rất lớn cho tăng trưởng của ngành hàng. Nhiều chuyên gia khuyến nghị, tập trung vào nhóm hàng chủ lực, phân bố đều thị trường là các giải pháp ngành hàng rau quả cần tập trung trong thời gian tới. Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề ra mục tiêu, năm 2025, xuất khẩu rau quả đạt 8 tỷ USD, nhưng với sự sụt giảm và những khó khăn đang tồn tại, ngành hàng này khó đạt được mục tiêu đề ra.
Chất lượng là yếu tố cốt lõi
Phân tích những thách thức, rào cản, Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Lê Thanh Hòa cho biết, không chỉ Trung Quốc mà nhiều thị trường lớn ra quy định mới nghiêm ngặt về mức dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật (MRL) và kiểm dịch thực vật.
Bên cạnh đó, những rào cản kỹ thuật và khả năng tuân thủ liên quan đến kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm. Trong khi đó, tổ chức chuỗi ngành hàng rau quả của Việt Nam vẫn rời rạc, thiếu chuyên nghiệp, chưa bảo đảm các tiêu chuẩn từ phía thị trường nhập khẩu. Đa phần là các hộ sản xuất nhỏ lẻ, mạnh mún; quy trình sơ chế bảo quản chưa tốt, nhất là khâu xử lý sau thu hoạch. Bên cạnh đó, hệ thống phân tích, đánh giá, kiểm nghiệm chất lượng nhiều nơi chưa đồng đều, bảo đảm.
Ngoài thị trường Trung Quốc, các thị trường lớn như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand đều có yêu cầu khắt khe trong đánh giá rủi ro mở cửa thị trường. Bên cạnh đó là yêu cầu cao về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và các yêu cầu về lao động, môi trường, phát triển bền vững. Ngoài ra, nhiều quốc gia có thế mạnh về rau quả cũng đang tập trung mở rộng thị trường, khiến ngành hàng này của Việt Nam phải chịu sự canh tranh khá lớn.
Các chuyên gia cho rằng, nâng cao chất lượng là giải pháp cốt lõi của ngành hàng rau quả. Ngoài ra, định vị lại thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường sẽ giúp ngành hành rau quả phát triển bền vững.
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, các DN sẽ mở rộng thêm thị trường, tiếp tục xuất khẩu đa dạng loại quả của Việt Nam sang nhiều nước khác. Tuy nhiên, các địa phương cần tổ chức sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay để cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định, an toàn cho DN.
Ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam thông tin, Bộ sẽ tăng cường các cơ sở kiểm dịch và quản lý chặt các vùng trồng. Hiện tại, cả nước đã cấp 8.052 mã số vùng trồng và 1.596 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Đặc biệt, có 93 sản phẩm nông, lâm, thủy sản được xếp hạng thương hiệu quốc gia. Về mã số vùng trồng, Bộ sẽ yêu cầu nâng cao về chất lượng, bảo đảm thống nhất, minh bạch, không phân biệt mã số vùng trồng đối với nông sản trong nước và xuất khẩu. Bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành khác mở rộng đàm phán, đa dạng các thị trường xuất khẩu, đa dạng mặt hàng trái cây xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu rau quả 8 tỷ USD trong năm 2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu các địa phương cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sản xuất rải vụ thu hoạch; thiết lập mã số vùng trồng.
Cùng với đó, gắn phát triển vùng trồng cây ăn quả với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm theo lợi thế của từng địa phương; quan tâm xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam cho các loại quả.
Mặt khác, cần tổ chức lại sản xuất, vận động nông dân tham gia liên kết, hình thành hợp tác xã, hoặc liên kết với DN theo chuỗi giá trị, gắn kết chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), người tiêu dùng tại các thị trường lớn ngày càng ưu tiên các sản phẩm rau quả hữu cơ và chế biến sâu, bởi dòng sản phẩm này đáp ứng tiêu chuẩn về sức khỏe. Hiện nay, sản lượng rau quả tươi của Việt Nam rất lớn, nhưng tỷ lệ chế biến sâu vẫn còn thấp. Đây là một trong những yếu tố hạn chế việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, là những quốc gia có nhu cầu về sản phẩm chế biến rất cao.