Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Văn hóa học đường: yếu tố nền tảng thực hiện thành công Chương trình 06

Quỳnh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định con người là trung tâm, xây dựng văn hóa học đường, nếp sống thanh lịch, văn minh trong các cơ sở giáo dục được xem là yếu tố nền tảng thực hiện thành công một trong những nhiệm vụ của Chương trình số 06-CTr/TU.

Học sinh Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình) tham gia trò chơi dân gian trong buổi dã ngoại.
Học sinh Trường THCS Thành Công (quận Ba Đình) tham gia trò chơi dân gian trong buổi dã ngoại.

Bồi dưỡng tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc

Giai đoạn 2021 - 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã tích cực, chủ động tham mưu, ban hành nhiều kế hoạch, triển khai thực hiện nhóm đề án, kế hoạch.

Trong đó, phải kể đến đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2021 - 2025"; kế hoạch biên soạn, lồng ghép nội dung giáo dục nét văn hóa Hà Nội trong bộ tài liệu "Giáo dục địa phương", tiến hành giảng dạy đại trà tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh phổ thông Hà Nội"; kế hoạch triển khai giảng dạy đại trà Tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh" cho cấp học mầm non trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; kế hoạch biên soạn nội dung, phương pháp thể hiện các trò chơi dân gian để đưa vào chương trình giáo dục thể chất của học sinh phổ thông.

 

Hà Nội hiện có tổng số 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp; 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên với trên 2,2 triệu học sinh, trên 70.000 lớp. Ngoài ra, trên địa bàn TP có 105 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài; 9 văn phòng đại diện nước ngoài; 1.051 trung tâm các loại.

Đồng thời, Sở GD&ĐT đã triển khai rộng rãi, đồng bộ nhiều chương trình, hoạt động giáo dục nhằm xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh; bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tư tưởng đạo đức và lối sống lành mạnh cho học sinh trên địa bàn.

Tính riêng năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT đã phối hợp tổ chức cho trên 1.600 học sinh tham gia học lớp tìm hiểu về Đảng và đã bồi dưỡng, kết nạp được 200 đảng viên mới. Từ năm 2022 đến nay đã kết nạp được 292 đảng viên mới, bằng hơn 10 lần tổng số học sinh tại các trường thuộc Sở được kết nạp trong thời gian 12 năm (từ năm 2012 đến năm 2022) 26 học sinh. Đến thời điểm hiện tại, số lượng đảng viên là học sinh trong toàn ngành GD&ĐT là 318 đảng viên.

Học sinh khi được lựa chọn tham gia các lớp bồi dưỡng tìm hiểu về Đảng đã có ý thức phấn đấu rõ rệt đạt thành tích cao trong học tập, trong tham gia công tác đoàn thể, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…; nỗ lực thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.

Lồng ghép nội dung giáo dục nếp sống văn hóa vào các tiết học

Qua 14 năm triển khai giảng dạy Bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội", đã góp phần giáo dục các học sinh về thái độ và hành vi cần có trong sinh hoạt, giao tiếp, ứng xử để trở thành học sinh thanh lịch, văn minh, nhận được sự hưởng ứng đồng tình của đông đảo cha mẹ học sinh.

Việc giáo dục nếp sống văn hóa người Hà Nội được tổ chức đa dạng dưới nhiều hình thức, trong đó, đặc biệt chú trọng lồng ghép nội dung trong các tiết học giáo dục địa phương. Tùy theo từng cấp học, nội dung giáo dục địa phương được xây dựng phù hợp, đáp ứng yêu cầu tìm hiểu và vận dụng của học sinh.

Bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội" góp phần giáo dục học sinh về thái độ và hành vi cần có trong sinh hoạt, giao tiếp. Ảnh: Lại Tấn.
Bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội" góp phần giáo dục học sinh về thái độ và hành vi cần có trong sinh hoạt, giao tiếp. Ảnh: Lại Tấn.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng đẩy mạnh triển khai các Chương trình giáo dục di sản với nhiều hoạt động giáo dục ngoại khóa tại các di tích lịch sử, văn hóa; tổ chức thăm quan học tập ngoại khóa tại các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến cho học sinh trên địa bàn TP Hà Nội. Qua đó, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức; hình thành thói quen, ý thức tốt nhằm hoàn thiện nhân cách học sinh.

Ngoài ra, ngành Giáo dục còn tăng cường triển khai kế hoạch tổ chức trò chơi dân gian trong trường học. Theo đó, các nhà trường được giao lựa chọn và áp dụng các trò chơi phù hợp với lứa tuổi, giới tính, cấp học, điều kiện cơ sở vật chất của đơn vị để tăng cường giáo dục văn hóa truyền thống…

Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương: Đây là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục giữa các nhà trường, các quận nội thành và các huyện ngoại thành trên địa bàn TP.

Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị tổng kết Chương trình 06 của Thành ủy. Ảnh: Duy Khánh.
Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị tổng kết Chương trình 06 của Thành ủy. Ảnh: Duy Khánh.

Nhiều phong trào ý nghĩa xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh

Trong giai đoạn vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội đã phát động nhiều phong trào thiết thực, ý nghĩa. Điểm nhấn là phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm" giai đoạn 2022 - 2025, đã được các quận, huyện, thị xã, các nhà trường tích cực hưởng ứng.

Từ thực tiễn triển khai phong trào xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh, nhiều trường học trên địa bàn TP cũng đã có cách làm hay, hiệu quả, phát động được nhiều phong trào ý nghĩa như: phong trào "Sáng mãi nét đẹp thanh lịch, văn minh"; "Học sinh Thủ đô nói lời hay, làm việc tốt"; phong trào "3 xin" (xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn), phong trào "Nghĩ kỹ, nói chậm, hành động ngay"; "Phát triển văn hóa đọc"; "Lời chào người Tràng An"; sáng kiến thưởng "hoa thanh lịch" cho mỗi việc làm tốt….

"Thông qua các hoạt động phong trào, đã khơi dậy niềm tự hào của các thế hệ nhà giáo, học sinh về truyền thống thanh lịch, nét văn hóa đặc trưng của người Hà Nội, đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm cán bộ, giáo viên, học sinh trong việc xây dựng nếp sống thanh lịch, văn minh ở Thủ đô" - Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương nhấn mạnh.

Không chỉ tiếp tục dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, về số lượng học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế; nề nếp, kỷ cương của học sinh ngành Giáo dục Thủ đô cũng được duy trì. Từ đó, xây dựng môi trường giáo dục văn minh, lành mạnh, nâng cao tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc trong học sinh.

 

TP Hà Nội tiếp tục đổi mới, phát huy hiệu quả việc giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh gắn với giáo dục giá trị sống cho học sinh trong các trường phổ thông. Chất lượng mô hình văn hóa và thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học được nâng cao thông qua Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học" và Bộ tiêu chí "Trường học hạnh phúc".